Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Hong Kong giảm gần 40%
Thay vào những gian hàng trống này là các thương hiệu thời trang và phụ kiện với đà tăng gấp đôi số lượng cửa hàng từ 7% năm 2014 lên 14% vào năm 2016.
Theo Jones Lang LaSalle (JLL), so với cuối năm 2014, mặt bằng cho thuê ở đường High Street đã giảm 37%, giá thuê cửa hàng đường Russell đã rớt từ 2.500 đôla Hong Kong mỗi feet vuông/tháng xuống còn 1.000 đôla Hong Kong.
Mới đây, JLL đã công bố báo cáo thực trạng cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Hong Kong với những diễn biến ảm đạm. Trong mắt một số nhà đầu tư khái niệm thiên đường mua sắm tại Hong Kong dường như chỉ còn trong quá khứ, đơn vị này cho hay.
Kết quả báo cáo cho thấy một bức tranh khác với thời hoàng kim đã qua, theo Giám đốc Nghiên cứu JLL Hong Kong – Denis Ma. Trên thực tế, một lượng lớn các nhà bán lẻ đang đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán hàng và giá thuê cắt giảm mạnh. Sự xuất hiện các không gian bán lẻ trống đã mang đến cơ hội cho các nhà bán lẻ mới gia nhập vào thị trường, đây là điểm tích cực duy nhất hiện nay tại thị trường này. Chính điều này đã tạo sự thay đổi trong phân khúc bán lẻ tại Hong Kong.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại đường High Street (Hong Kong) đã giảm 37%.
(Ảnh: South China Morning Post)
Đơn cử như, đường Russell thuộc Vịnh Causeway, sau khi được xếp hạng là khu vực bán lẻ đắt nhất trên thế giới đã trải qua một sự thay đổi đáng kể trong 2 năm qua. Minh chứng là, những thương hiệu trang sức và đồng hồ siêu sang, các nhà đầu tư có hàng loạt cửa hàng cùng xuất hiện dọc tuyến đường, hiện chỉ còn 43% so với tổng số cửa hàng trên đường và thấp hơn con số 67% vào năm 2014. Thay vào những gian hàng trống này là các thương hiệu thời trang và phụ kiện với đà tăng gấp đôi số lượng cửa hàng từ 7% năm 2014 lên 14% vào năm 2016.
Sở dĩ hàng loạt thương hiệu siêu sang trong thành phố rút lui khỏi thị trường này là do hệ quả từ sự sụt giảm của lượng khách du lịch Trung Quốc, so với năm trước, qua 11 tháng đầu năm 2016 đã giảm 7,8%. Việc giảm lượng khách du lịch từ Đại lục trong những thàng gần đây cũng ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, đồng thời các thương hiệu siêu sang cũng sẽ vắng mặt trong giai đoạn phục hồi sắp tới.
Khi không có sự tham gia của các nhà bán lẻ có lợi nhuận cao, thời gian tới, thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ cũng sẽ không có bất cứ sự tăng giá nào. Mặt khác, sự phục hồi của lượng khách từ Đại Lục có thể sẽ không quay trở lại được như thời hoàng kim trong quá khứ. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Hong Kong cho thấy, chi tiêu bình quân đầu người của du khách Đại lục đã giảm dần từ năm 2014.
Theo dự báo của JLL, bối cảnh hiện tại sẽ rất khó khăn cho các chủ nhà, chủ mặt bằng tăng tiền thuê và giá thuê sẽ tiếp tục giảm thêm 5% trong năm nay. Trong năm tới, đây không phải là thông tin tích cực cho chủ nhà và các nhà đầu tư, tuy nhiên người mua hàng có thể mong đợi một sự đa dạng hơn trong lĩnh vực bán lẻ.
Leave a Reply